– Điểm đón: 114 Trần Nhật Duật, 789 Giải phóng, Số 7 Phạm Văn Đồng, Đón Sân bay Nội Bài (miễn phí)
Sapa những ngày tuyệt đẹp
Nhà thờ cổ Sapa
Nơi ngập tràn nắng mai
Nụ cười tinh khôi có thể khiến bạn tan chảy
Ngắm toàn cảnh Sapa từ đỉnh Hàm Rồng
Bắt đầu chuyến khám phá bằng một cuộc leo núi lên đỉnh Hàm Rồng, du khách được thả hồn vào không gian của vườn Lan 1-2, vườn lê, vườn táo mèo, vườn hoa trung tâm, cổng trời, đầu rồng, hòn cá sấu, khu Thiên Thạch Lâm, hòn Phật bà, sân mây, tháp truyền hình… thả mình vào khung cảnh tuyệt vời của Sapa từ trên cao, ngắm đỉnh Fansipan - nóc nhà Đông Dương ẩn hiện trong mây.
Khu du lịch Hàm Rồng được xây dựng trên diện tích gần 150ha. Công trình được khởi công năm 1996 nhằm khai thác những giá trị văn hoá - tự nhiên một cách hoang sơ của những phiến đá rêu phong. Càng đi lên cao du khách càng có cơ hội khám phá những khung cảnh tuyệt đẹp như: Vườn lan, cổng trời, sân mây, vườn đào... Đặc biệt đối với những du khách có sở thích ngắm cảnh và chụp ảnh thì có lẽ đây là điểm du lịch mà các bạn có thể lưu giữ cho mình rất nhiều bức hình để đời.
Tiếp tục hành trình lên cao hơn, quý khách sẽ có cảm nhận như mình đang lạc vào cõi thần tiên với những khung cảnh rất đỗi quen thuộc với những du khách đã từng xem phim Tây Du Ký khi đi qua khu thiên thạch lâm rộng mênh mông, lớp lớp đá đan xen nhau đủ mọi hình dáng, tha hồ cho khách thả trí tưởng tượng thành muôn hình vạn trạng. Đường lên cổng trời ngó phía trước chỉ thấy trời xanh bao la, nhìn dưới chân toàn mây giăng. Hết cổng trời 1, dừng chân ở cổng trời 2 cao khoảng 1700m để được ngắm đầu rồng thật rõ. Lối đi mỗi lúc một hẹp, dẫn vào hang Tam Môn chỉ vừa một người chui lọt, thoát ra là một khoảng trời mênh mông. Khu cắm trại ở đây có hẳn một vườn cây ăn trái với ba loại chủ lực: đào, lê, mận rực rỡ khi xuân sang, trĩu cành khi hạ tới.
Chinh phục đỉnh Fansipan - Nóc nhà Đông Dương
Với việc tuyến cáp treo Fansipan đi vào hoạt động đầu năm 2016, đã có hàng chục nghìn du khách đã đặt chân tới đỉnh Fansipan chiêm ngưỡng, khám phá, chinh phục nóc nhà Đông Dương - Fansipan. Đây cũng là tuyến cáp treo được Guinness chứng nhận 2 kỷ lục Guinness cho cáp treo Fansipan Sapa là: Cáp treo ba dây có độ chênh giữa ga đi và ga đến lớn trên thế giới: 1410m và Cáp treo ba dây có độ dài tới 6292.5m. Thời gian để chiêm ngưỡng đỉnh Fansipan bây giờ cũng được rút ngắn từ 2 ngày xuống chỉ còn 15 phút.
Nhìn từ nhà ga đến ở độ cao 3.000 m, phong cảnh xung quanh bồng bềnh mây, kỳ vĩ
Đến ga cuối cùng, du khách phải leo bộ thêm 600 bậc thang nữa để đến với "Nóc nhà Đông Dương"
Hệ thống cáp 3 sợi được đánh giá là an toàn trong mọi điều kiện khắc nghiệt của thời tiết Sapa
Ghé thăm bản Cát Cát
Từ trung tâm thị trấn Sapa đi khoảng ba cây số, từ phố nhỏ Phan Xi Păng qua con dốc sâu hút hoặc từ thung lũng vườn hồng ATI, ngoằn ngoèo là đến bản Cát Cát, thuộc xã San Sả Hồ, huyện Sa Pa, Lào Cai. Bản nằm dưới chân dãy núi Hoàng Liên Sơn, trong thung lũng với ba bề là núi, nơi người dân tộc H’Mông sinh sống.
Ðường xuống Cát Cát là độc đạo, hết đoạn đường dốc được trải thảm bê-tông thì đến những bậc thang lát đá. Gần 80 hộ dân của bản hầu hết nằm dọc theo con đường này, một số nằm rải rác trên các sườn núi. Ði khoảng mấy trăm mét bậc thang, qua cây cầu Si là trung tâm Cát Cát, nơi hội tụ của ba dòng suối ngày đêm rì rầm chảy, là suối Tiên Sa, suối Vàng và suối Bạc.
Kiến trúc nhà của người Mông ở làng Cát Cát còn mang nhiều nét cổ như: Nhà ba gian lợp ván gỗ pơ mu, các cột nhà đều được kê trên phiến đá tròn hoặc vuông, vách được lợp bằng gỗ xẻ, có 3 cửa ra vào, cửa chính ở gian giữa, 2 cửa phụ ở hai đầu nhà. Cửa chính luôn được đóng kín, chỉ mở khi có việc lớn như đám cưới, tang ma, cúng ma vào dịp lễ Tết. Trong nhà có không gian thờ, sàn gác lương thực dự trữ, nơi ngủ, bếp và nơi tiếp khách.
Qua những khung dệt, người Mông tạo nên những tấm thổ cẩm nhiều màu sắc và hoa văn mô phỏng cây, lá, hoa, muông thú… Gắn liền với công đoạn dệt vải bông, vải lanh là khâu nhuộm và in thêu hoa văn, phổ biến là kỹ thuật nhuộm chàm, nhuộm nước tro thảo mộc và cây lá rừng. Vải nhuộm xong được đánh bóng bằng cách lăn vải với khúc gỗ tròn trên phiến đá phẳng có bôi sáp ong. Ngoài nghề dệt, bản Cát Cát còn có nghề chạm bạc truyền thống rất độc đáo. Được làm hoàn toàn bằng thủ công nhưng nghề chế tác đồ trang sức bằng bạc, đồng của làng đã tạo ra những sản phẩm khá tinh xảo. Chủ yếu là đồ trang sức của phụ nữ như vòng tay, vòng cổ, nhẫn, dây xà tích… Đây là một nghề đã tồn tại từ nhiều đời, nay mang lại thu nhập đáng kể cho nhiều người dân nơi đây.